Theo Phật giáo Tây tạng, cận tử nghiệp – nghĩa là “tâm thức con người trước khi chết” sẽ theo người đó sang “kiếp sau” và quyết định người đó sẽ trở thành ai - sinh ra trong bối cảnh nào ở kiếp kế tiếp.
- Có người cả đời sống hiền lành, nhẫn nhịn nhưng trước khi chết bạn bè cũ về thăm ông trong đó có một người bạn đã nhiều năm không gặp, trước khi chia tay người này đã làm một việc khiến ông mất mặt nhưng vì bản tính hiền lành nên nín nhịn cho qua, nay gặp lại thì sự tức giận trỗi dậy và ông rời bỏ thế giới trong tâm thức giận dữ. Tâm thức giận dữ này sẽ trở thành nhân tái sinh trong luân hồi nhiều kiếp sau.
- Hoặc có kẻ cả đời làm nhiều việc xấu xa, nhưng đã từng nhìn thấy một nụ cười trẻ thơ, đã từng được ôm bởi một vòng tay ấm bởi một người yêu thương hắn thật lòng. Trước khi chết, hắn ta chỉ nhớ lại giây phút ngọt ngào ấy như một đặc ân làm sáng chuỗi ngày tồi tệ của đời mình. Và thế là kiếp sau hắn cứ tung tăng đến với hạnh phúc, được thương yêu và sống để yêu thương…
Cận tử nghiệp là niềm tin tôn giáo. Còn trong khoa học hiện đại thì Daniel Kahneman- Nhà tâm lý học được giải Nobel về kinh tế học hành vi-cũng đã triển khai nhiều nghiên cứu thực nghiệm để chứng minh rằng trong một chuỗi trải nghiệm thì con người thường nhớ tới peak moments – khoảng khắc lên đỉnh hoặc xuống đáy và end moments – khoảng khắc kết thúc chứ chẳng ai nhớ chi tiết về từng trải nghiệm đã qua- quy luật này gọi là PEAK END RULE
Chính vì vậy, dẫu ai đó có một cuộc đời nhiều điều tệ hại hoặc vui vẻ nhưng họ thường sẽ tự nhớ tới những khoảng khắc hoặc tồi tệ nhất hoặc đỉnh cao huy hoàng nhất và cái kết để đánh dấu sự tồn tại của mình.
Cũng từ lý thuyết này, trong thực tiễn cuộc sống chúng ta luôn cố gắng tạo ra nhiều trải nghiệm peak trong cuộc đời, như ngày tỏ tình, ngày cưới, ngày tốt nghiệp, ngày được giải thưởng ABC hoặc ngày bị tai nạn XYZ… và cũng vì thế, ta thường muốn tạo ra nhiều ký ức tốt đẹp cho những người ta yêu thương, hoặc một mối quan hệ gắn bó cũng là mối quan hệ chia sẻ nhiều ký ức.
Quay trở lại mục đích của cuốn sách là tìm cách tạo động lực sống cho bản thân. Ta sẽ làm hai cách
- Một là đặt mình vào giây phút cận tử, nằm trên giường lúc sắp chết nhìn lại cuộc đời đã qua mình muốn có những peaks moments như thế nào? Và từ đó mỗi người có thể chủ động tạo ra peaks moments đó cho bản thân. Ngân hàng ký ức sẽ chứa muôn vàn lựa chọn tốt đẹp, nhắm mắt vẫn có thể nghĩ về một khoảng khắc vui – Peak Moments. Đây là động lực để ta sống thành tựu mỗi ngày
- Hai là chủ động kết thúc những mối quan hệ, những công việc dang dở, những thứ mình đã khởi đầu theo cách tốt nhất có thể và khi ta chủ động đặt dấu chấm hết END cho những điều không tốt đẹp thì ta sẽ không bao giờ nhớ tới nữa, không còn lăn tăn băn khoăn gì nữa. Như vậy, món nợ ân tình hay tiền bạc nào cũng nên tự mình trả hết. Đây cũng là động lực để ta sống vui mỗi ngày
Cụ thể và dễ hiểu hơn cho những người mới bắt đầu thực hành “chết để sống”
- Mỗi ngày, hãy tập cho mình thói quen ghi lại những peak moments trong ngày, tạo ra những khoảng khắc thú vị của một ngày để không ngày nào trong đời mình bị lãng phí, không ngày nào là không đáng sống. Thậm chí nếu được, hãy lập kịch bản để mỗi nhịp đập trái tim là một nhịp yêu thương.
- Mỗi ngày, hãy buông xuống tất cả những phiền muộn trước khi đi ngủ, tắm cho thân cũng là tắm cho tâm. Làm điều gì có lỗi với ai, giận hờn gì ai, nợ nần gì ai, cũng hoàn tất để nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ và sáng mai ta sẽ thức dậy với năng lượng thanh tịnh. Mỗi giấc ngủ là một cơ hội để tái sinh thành một con người khác, tươi vui và hạnh phúc.
Rồi cứ thế, cuối tuần làm một thời khóa kỹ hơn, cuối tháng lại sâu hơn và cuối năm thì thấu đáo hơn. Chừng nào thanh tịnh tâm và làm sạch các mối quan hệ trở thành một nghi lễ - ritual đều đặn của tâm hồn thì mỗi phút giây sống đều thư thái chú tâm trong hiện tại vì chẳng còn nuối tiếc gì quá khứ, chẳng còn mong đợi gì ở tương lai.
Nếu muốn trải nghiệm sâu sắc hơn, hãy hình dung mình đang ở trong giây phút cận tử. Những người mình thương yêu nhất đang tới để chào tạm biệt mình. Nếu có thời gian, hãy hình dung từng người, từng người. Mình muốn nói điều gì với họ? Điều mình muốn nói với người mình yêu thương và quan tâm trước khi mình rời bỏ cuộc sống này.
Bài thực hành này không dễ dàng và có thể tạo ra những cơn xúc động mạnh nhưng khi hoàn tất việc thực hành ta sẽ nhận ra ai thực sự là người quan trọng và điều gì là thực sự quan trọng trong cuộc đời mình để từ đó có thể tập trung năng lượng sống hạnh phúc.
Cuối cùng thì có động lực để làm gì nếu không phải là để sống cho những người ta thực sự yêu thương và làm những điều thực sự quan trọng. Bạn nhỉ?