Khá nhiều “khách hàng” của tôi giỏi giang khi xử lý mọi thử thách trong công việc kiếm tiền nhưng lại bế tắc trong đời sống. Thậm chí một trong số đó đã từng quyết định bỏ cuộc sống ở Việt Nam, apply cho một vị trí mới trong tập đoàn ở quốc gia khác để trốn chạy khỏi những bế tắc trong tình cảm.
Khi trò chuyện, tôi chỉ hỏi cô một câu nhỏ “Nếu coi chồng là khách hàng và mối quan hệ này là một dự án, khách hàng quan trọng, dự án kéo dài, em sẽ làm gì để hoàn thành tốt vai trò của mình”
Câu hỏi này khởi động chế độ làm việc trong cô và cô ngồi một lúc vẽ ra toàn bộ các tình huống, giải pháp, phương án để “dự án hôn nhân” đạt được kết quả mà cô mong đợi. Lúc này, cô không còn mong đợi “khách hàng chồng” phải hợp tác, phải chủ động nữa. Khách hàng VIP, lại còn khó tính thì cô phải trổ tài thôi. Lúc này cô không còn mong đợi, không còn dấu diếm những kỳ vọng của mình, mà chủ động chia sẻ bày tỏ, gây ảnh hưởng, thậm chí là thương lượng và vận dụng rất nhiều kỹ thuật trong quản lý công việc để tổ chức lại cuộc sống
Cách tư duy này cũng không phải tôi tự nghĩ ra, mà nhớ một năm nào đó có dự event nghe chị Thảo Vietjet chia sẻ “ Tôi mang bộ não của CEO về nhà để tổ chức công việc hiệu quả, còn mang trái tim của người mẹ đến doanh nghiệp để lãnh đạo bằng thương yêu” tôi không nhớ chính xác câu nói của chị nhưng đại ý thì rất hiểu. Điều cơ bản là mình làm chủ bản thân và làm chủ các mối quan hệ, dẫn dắt cuộc đời mình đến cái đích mà mình muốn
Nhiều người không chấp nhận làm chủ mọi tình huống, chỉ vì họ nghĩ đến tình yêu, đến vai trò của người đàn ông trong hình dung tưởng tượng của họ.
Có lẽ họ nghĩ đàn ông chính là Chúa (vì chỉ có Chúa mới biết đàn bà muốn gì, nghĩ gì nếu họ không nói ra) và đàn bà quên mất ngay từ thủa “khai thiên lập địa” Chúa đã quyết định người đàn ông như con trâu cày ngoài đồng, còn người đàn bà sắp xếp căn nhà, vun vén tổ ấm, nuôi dưỡng trẻ con. Tội lỗi cũng do đàn bà dụ dỗ, thành tựu cũng do đàn bà dẫn dắt
Nếu người phụ nữ không dẫn dắt, không làm chủ để “trâu ta ăn cỏ đồng ta” thì “ăn cỏ đồng nhà, làng bắt mất trâu” thôi. Mà làng, có thể là một cô Tuesday nào đấy, hoặc chỉ đơn giản là công việc, là cái máy chơi game, là “bè lũ” đàn ông bao nhiêu tuổi vẫn chưa là người lớn, hoàn thành nhiệm vụ là “nhậu với nhau” vì không biết phải làm gì cho đúng ý vợ.
Không phải tự nhiên mà cả thế giới đồng thuận rằng, nuôi dưỡng một người đàn ông thì chỉ là một người đàn ông, còn giáo dục một người đàn bà, là thay đổi một gia đình, thậm chí là một dòng họ, một thế hệ. Bởi vậy, tôi không nói rằng ta đừng mong đợi gì ở người đàn ông của mình. Mà hơn thế, hãy dùng toàn bộ trí tuệ lẫn yêu thương nơi bạn để đồng hành cùng người đàn ông đó đi đến cái đích mà ta mong muốn.
Bạn tôi, sau khi bỏ chồng có thời gian suy ngẫm lại đã kết luận “Nếu được làm lại, mình sẽ chỉ làm vợ trên giường, còn cứ đặt chân xuống đất là phải làm mẹ, làm chị, làm bạn, làm đồng sự, làm cố vấn cho chồng”. Cuộc hôn nhân tan vỡ vì cô đã dùng cảm xúc để buồn bã, hờn giận và hy vọng thay vì dùng lý trí để chủ động giải quyết các vấn đề.
Một khách hàng khác của tôi, khi muốn “làm mới” mối quan hệ thì ngồi nghĩ mãi chỉ ra được 5 điều có thể cùng làm với chồng và sau khi xác lập vị thế mình sẽ làm “leader” của mối quan hệ thì nghĩ ra hẳn “101 điều em muốn làm cùng anh”
Bởi thế, đừng sợ lý trí làm cảm xúc trở nên chai sạn, mà dùng lý trí để sáng tạo và làm cảm xúc thăng hoa. Không dùng cảm xúc để đòi hỏi, hãy dùng trí tuệ để sáng tạo, để làm mới, để tái thiết lập lại cuộc hôn nhân như bạn mong muốn.
Làm chủ đời mình, làm chủ cuộc hôn nhân của mình không làm cho bạn mất đi “đàn bà tính” mà chỉ giúp bạn thực thi đúng bản lĩnh đàn bà – đó là kế hoạch của Chúa.