Chị yêu ơi, cảm ơn chị đã cho em câu hỏi ưu tiên nhé! Câu hỏi của em là: khi có sự mâu thuẫn giữa mong ước của mình và của những người thân yêu nhất thì phải làm thế nào?
Ví dụ như chồng em muốn làm việc ở nước ngoài vì có điều kiện tốt hơn để làm khoa học, con cái em cũng thích ở nước ngoài sạch đẹp đi học vui, nhưng em lại cảm thấy nếu về nước em (có thể) làm những việc tạo tác động tốt hơn. Tất nhiên cả 2 con đường đều tiềm ẩn những điều chưa chắc chắn.
Chào em, cảm ơn em đã gửi câu hỏi cho chị.
Vì sẽ có nhiều bạn đọc khác cùng chia sẻ trăn trở này. Chị sẽ thảo luận với em dựa trên nguyên tắc, còn tình huống cụ thể sẽ cần những cuộc trò chuyện riêng tư để em “giải thoát” bản thân khỏi những băn khoăn cụ thể trong trường hợp của em.
Ở cuối thư, chị cũng sẽ gợi ý một số câu hỏi để em tự vấn. Rồi em sẽ thấy bình an với quyết định của mình mà không phải tiếc nuối - dù điều gì đợi gia đình em ở phía trước.
Từ góc nhìn của chị, đây không chị là một quyết định sự nghiệp. Đây là quyết định về cách em định vị mình trong mối quan hệ với chồng và vai trò của mình với con. Cũng như quyết định lối sống của cả gia đình.
Với chồng, em có thể chọn là Partner cùng phát triển, là người vợ - người cố vấn, người phụng sự và hỗ trợ cùng chồng chia sẻ sự nghiệp. Với con em có thể chọn là người làm gương cho hành trình phát triển độc lập, hoặc là người mẹ tận tụy đứng sau mọi thành công của chồng con mà vẫn thể hiện được giá trị của mình thông qua những đóng góp cho cộng đồng (những công việc thiện nguyện tại các nước phát triển mà em dự kiến sẽ định cư )
Một cô em khác của chị đã từng đứng trước quyết định tương tự như em lúc này. Trước khi theo chồng bạn đã “đàm phán” với chồng rằng : 50% thu nhập trong tương lai của chồng sẽ là công sức thực sự của cô ấy chứ không chỉ là của chồng đưa cho cô ấy chi dùng. Công sức đó tính cho việc cô toàn tâm toàn ý lo hậu phương để chồng phát triển sự nghiệp. Khi chồng cô ấy được nhận vào làm giáo sư của trường đại học anh mơ ước, thì cô cũng bắt đầu quay lại đời sinh viên học lại từ đầu một ngành mới. (Khi rời Việt Nam thì em chị đã có công việc danh giá tại một tập đoàn nước ngoài.)
10 năm trôi qua rồi, họ sống với nhau ở Mỹ rất vui vẻ. Giờ đây cô vợ được thỏa sức học và sống với những thú vui riêng khi bọn trẻ đã ổn định. Người chồng luôn biết ơn vợ mình và tạo điều kiện hết sức để vợ có thể theo học và khẳng định bản thân. Em chị giờ cũng đã có việc làm phù hợp ở Mỹ.
Trường hợp này, cô vợ đã tính chồng có 10 năm để phát triển sự nghiệp, trở thành người giỏi nhất - (đạt tới điểm mà họ cho là đỉnh cao bạn chồng có thể đạt tới) trong thời gian ngắn nhất. Sau đó anh chồng sẽ phát triển theo chiến lược ổn định, củng cố bền vững vị trí của bản thân rồi chậm lại để cô vợ sẽ có 5 năm đi con đường cô chọn.
Họ quyết định sự nghiệp như hai người đang khiêu vũ cùng nhau, người này tiến thì người kia lùi. Mỗi người có một đoạn đường để bước tới. Mọi quyết định đều có phân tích lợi ích và chi phí cùng với những rủi ro dự báo được để làm cơ sở quyết định.
Quay trở lại trường hợp của em,
Chúng ta đều là người Việt, nơi giá trị quan trọng nhất vẫn là gia đình - nơi “của chồng công vợ” vẫn là điểm tựa và lợi ích cho gia đình nói chung vẫn vượt qua những giá trị cá nhân.
Đồng thời lựa chọn ngày hôm nay chỉ là một chặng ngắn của cả 50 năm chung sống cùng nhau, tính toán chặng này phải tính cho cả chặng sau. Người châu Á thì tính cho đời mình chưa đủ còn tính cho đời con nữa.
Có lẽ vì thế mà em vẫn băn khoăn nơi chốn nào để con em có thể có điều kiện học tập tốt nhất, môi trường sống tốt nhất và cái tốt nhất còn liên quan đến chuyện em muốn con em trở thành ai trên thế giới này.
Lựa chọn của người phụ nữ Việt Nam không hoàn toàn tự do khi ta đã có cam kết với một gia đình, một người chồng cũng do ta chọn và những đứa trẻ cũng do ta chọn mang tới cuộc đời này. Những lựa chọn trước (chồng và con) sẽ ảnh hưởng quyết định tới lựa chọn sau (sự nghiệp)
Trong một bối cảnh khác. Chị cũng có một người chị khác, giỏi giang, xinh đẹp vì thế nên lấy một người chồng có khả năng kinh tế rất vững vàng. Anh chồng đề nghị chị ở nhà toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình. Bạn chị cũng chấp nhận. Giờ khi đã 50 tuổi. Bọn trẻ đã lớn hết. Cô gái trẻ ngày xưa nay đã trở thành phu nhân nhưng vẫn trẻ trung xinh đẹp và “ bỗng dưng thất nghiệp” khi trẻ con đi nước ngoài. Viễn cảnh không làm gì chỉ chơi trong suốt 50 năm tới khiến bạn chị quyết định quay trở lại thị trường, đi học nghiêm túc để có thể kinh doanh một sản phẩm yêu thích nhằm nuôi dưỡng đời sống có giá trị và khẳng định năng lực của bản thân cũng như duy trì tương tác xã hội
Thư đã dài, chuyện đời cũng muôn lối rẽ. Chị sẽ không khuyên nhủ gì, chị hỏi em
Nếu em muốn quay lại Việt Nam, đâu là động lực thực sự cho mong muốn đó: Được cống hiến, được ghi nhận, được làm việc, được khẳng định bản thân trong xã hội, được thử thách để trưởng thành?……..
Em có nỗi sợ hãi, lo lắng nào nếu tiếp tục theo chồng ở xứ người lập nghiệp? Chồng em có hiểu nỗi lo đó, hai vợ chồng em có chia sẻ và giải pháp cho nỗi lo đó?
Nếu thực sự quay lại VN và tìm việc, điều em nuối tiếc nhất sau này khi nhìn lại sẽ là gì?
Nghĩ thêm em nhé. Chị mong gia đình em luôn đoàn kết thống nhất trong mọi lựa chọn. Rốt cuộc hiệu quả không phải là điều quan trọng nhất mà quá trình ra quyết định cùng nhau sẽ gắn kết các em
Thương mến.
Chị Dương
