Tại sao điều này lại quan trọng
Trước Covid, Ý nghĩa đời sống hay giá trị công việc chỉ là một khái niệm mơ hồ, là phần thưởng dành cho một số cá nhân vượt trội sớm đạt được những thành tựu về vật chất và danh tiếng sau đó là tìm kiếm các giá trị tinh thần
Covid tới và cả thế giới có cơ hội để tách mình khỏi những thói quen sống hàng ngày, chậm lại và có thời gian để tư duy về công việc, nhận ra sự mong manh giữa sống và chết, đời sống ngắn ngủi với cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào không báo trước khiến cho những điều quan trọng trở thành khẩn cấp.
Việc sống có ý nghĩa trước đây là việc cả đời, quan trọng nhưng có thể chờ đợi ta thỏa mãn tương đối các mục tiêu khác rồi mới tìm kiếm sau COVID bỗng trở thành mục tiêu ưu tiên số 1.
Theo Harvard Business Review Ý nghĩa của công việc trở thành cấu phần quan trọng nhất để các doanh nghiệp xây dựng Wellbeing at Work (sự phát triển toàn diện nơi làm việc).
Mc Kinsey, Hãng tư vấn Quản trị doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã lật lại dự án nghiên cứu The Rush Trí nhớ và Lão hóa thực hiện từ năm 1997 với kết luận rằng
Những người làm công việc có ý nghĩa có cơ hội tốt hơn những người không thấy được ý nghĩa trong công việc là
· Khả năng không bị sa sút trí tuệ cao gấp 2,5 lần
· Giảm 22% khả năng biểu hiện các yếu tố nguy cơ đột quỵ
· Giảm 52% khả năng bị đột quỵ
Từ nghiên cứu này Mc Kinsey đã thực hiện các nghiên cứu khác nhằm giúp các tổ chức kết nối được giữa Ý nghĩa và sứ mệnh của tổ chức với ý nghĩa công việc của từng cá nhân người lao động.
Riêng TalentPool chỉ trong một năm 2015 đã liên tục triển khai các buổi nói chuyện với chủ đề #ilovemyjob cho những tập đoàn hàng đầu về phát triển con người như Vingroup, Techcombank, PWC, BBraun, WorldBank, Bitexco… nhằm giúp người lao động nhận ra sự kết nối giữa
Tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức gắn với sứ mệnh và ý nghĩa đời sống của từng cá nhân
Giá trị cốt lõi của tổ chức với giá trị cốt lõi của từng cá nhân
Hành động mỗi ngày của từng cá nhân và thành tựu lịch sử của mỗi tổ chức
Khảo sát của chúng tôi đối với hàng chục ngàn nhân sự tham dự các buổi trò chuyện này cho thấy họ gắn kết hơn với tổ chức và hiểu được ý nghĩa của công việc nơi họ đang làm
Và ngay cả khi COVID chưa qua, thì chiến lược tạo ra một “tương lai mới” là “hậu bình thường mới” là nhu cầu cấp thiết và các nghiên cứu của Mc Kinsey lại một lần nữa cho thấy 89% người lao động có nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa trong công việc và nhận ra sức mạnh của ý nghĩa khi họ có một LÝ DO (WHY) để làm việc mà họ đang làm.
Như vậy không chỉ các doanh nghiệp khởi nghiệp mới cần một LÝ DO để thu hút đầu tư, mà các cá nhân khi khởi đầu sự nghiệp của mình cũng cần một LÝ DO để theo đuổi và trưởng thành trong sự nghiệp đó.
Làm thế nào để tìm kiếm được ý nghĩa của công việc
Vậy làm sao để tìm được WHY ||Lý do của mình. Hãy đặt 05 câu hỏi cụ thể sau
1. Bạn muốn trở thành ai?
2. Bạn coi trọng những giá trị nào?
3. Bạn tin tưởng điều gì?
4. Bạn là thành viên của cộng đồng nào?
5. Làm công việc nào khiến bạn có thể đóng góp và chăm sóc cho cộng đồng đó?
Tại sao lại là những câu hỏi này? Lý do là các khảo sát đều cho thấy: một người có cảm giác mình đang SỐNG (aliveness) khi họ tạo ra giá trị cho cộng đồng mà họ thuộc về.
Đối với cá nhân tôi, việc chia sẻ những kiến thức, kỹ năng mà mình đã tích lũy được nhiều năm qua nhằm tạo nền móng cho sự phát triển vượt trội của thế hệ tương lai và chứng kiến sự trưởng thành của họ khiến tôi thấy cuộc đời phía trước của mình có nhiều ý nghĩa. Một ngày nào đó nếu không còn có thể chia sẻ - tôi thực sự không biết mình sẽ sống tiếp để làm gì- Bởi vậy, cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng tôi và cho tôi một đời sống có ý nghĩa.
Tôi tìm thấy ý nghĩa công việc của mình như thế nào
Không phải ai cũng may mắn tìm được công việc có ý nghĩa hoặc nhìn ra ý nghĩa công việc ngay từ khi mới khởi đầu sự nghiệp, tuy nhiên để đỡ mất thời gian cho những việc không có ý nghĩa, trước khi lựa chọn một ngành nào đó để làm việc, một sự nghiệp, một công việc nào đó để theo đuổi bạn hãy
1. Tìm những người gắn bó với sự nghiệp, công việc đó
2. Hỏi họ về những khó khăn thử thách, những vất vả mệt nhọc của nghề
3. Lắng nghe những động lực khiến họ không rời nghề, chuyển nghề ngay cả khi gặp thách thức
4. Lắng nghe những giây phút hạnh phúc, thăng hoa của nghề
5. Đừng quên hỏi thời gian cần nhẫn nại tới khi bạn đạt được sự thăng hoa đó
Ví dụ như nghề giảng viên của tôi. Tôi có buổi giảng đầu tiên cho khách hàng doanh nghiệp năm 25 tuổi với một trải nghiệm hoàn toàn không hạnh phúc. Lớp học đầu tiên tôi giảng dạy là Kỹ năng đàm phán và thu hồi công nợ dành cho đội ngũ quản lý thị trường của FDC ( tiền thân của công ty bán lẻ FPT). Khi đó tôi không có bất kỳ kinh nghiệm nào trong kinh doanh nhưng được giao truyền đạt quy trình đàm phán và thu hồi công nợ cho một đội ngũ sắc sảo nhất thị trường và đang có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực phân phối máy tính và điện thoại di động.
Vì họ giỏi, giàu và cực kỳ tự do trong phản biện và có chính kiến riêng. Nên cô giảng viên non trẻ là tôi không thể thuyết phục họ với mớ kiến thức đầy lý thuyết của mình. Dẫu trước khi đứng lớp tôi đã đọc hơn 30 cuốn sách xoay quanh các kỹ năng đàm phán, thuyết phục và quy trình về quản lý công nợ được chuyển giao từ một chương trình chuẩn của Úc.
Do non nớt trong ứng xử nên tôi đã “cãi tay đôi” với học viên để chiến thắng. Tất nhiên trong lớp cũng có những người đã trưởng thành hơn, họ hiểu mục tiêu của việc đạo tạo là để trang bị kỹ năng mang tính hệ thống chứ không phải cung cấp những giải pháp đột phá mà chính họ cũng không nghĩ ra. Vì vậy, họ tháo gỡ cho tôi khỏi bàn thua trông thấy vào phút cuối.
Tối hôm đó tôi đặt mình trước hai lựa chọn
- Bỏ cuộc, quay trở về trường làm giảng viên và dậy kiến thức từ “thời đồ đá” cho sinh viên (thời đó các bạn sinh viên học gì cũng được vì chưa tiếp cận kiến thức của thế giới dễ như bây giờ và họ chấp nhận tính lý thuyết của kiến thức) nhưng chính tôi đã rời trường ra đi vì khao khát muốn mang tới cho sinh viên cái gì đó thiết thực hơn, nên bỏ cuộc là phản bội giá trị (thiết thực) mà mình muốn theo đuổi
- Vượt qua sợ hãi, làm lại và tìm cách làm khác thiết thực hơn.
May mắn cho tôi là khách hàng thứ hai của cùng môn học đó là một tập đoàn của Mỹ (Bayer Crop Sciences) họ phân phối nguyên liệu đầu vào cho nông dân ở Đồng bằng sông cửu long và là những người kinh doanh rất vui tính, dễ chịu.
Rút kinh nghiệm từ những gì đã xảy ra ở FPT, tôi đặt mình vào kỳ vọng của học viên và thay vì đọc thêm 30 cuốn sách nữa thì tôi đã phỏng vấn gần 10 người có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà tôi giảng dạy, bao gồm cả người đã giúp tôi “thoát nạn” trong lớp học ở FPT. Với kinh nghiệm được “nghe lại” từ họ cộng với khả năng hỏi rất kỹ, đi vào từng chi tiết và tư duy tổng hợp lại kiến thức học được từ người khác, dùng ngôn ngữ của mình để hệ thống lại. Tôi đã thành công với Bayer Crop Sience và sau này sếp tôi nói lãnh đạo của họ đã gửi thư phản hồi rất tốt về lớp học với nhiều lời tích cực
Tôi chọn trở thành người hiểu biết (Tôi muốn trở thành ai)
Tôi coi trọng tính thực tiễn và hữu dụng (Tôi coi trọng điều gì)
Tôi tin tưởng rằng mình nỗ lực với sự chân thành sẽ có kết quả tốt ( tôi tin tưởng điều gì)
Tôi muốn người Việt có thể làm được những gì thế giới đang làm được một cách bài bản và chuyên nghiệp (Cộng đồng của tôi là người lao động Việt Nam)
Tôi có thể giúp họ giỏi hơn mỗi ngày (Chia sẻ và kết nối giá trị là cách để tôi đóng góp cho cộng đồng của mình)
Đó là cách tôi trả lời 5 câu hỏi và tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của mình, từ đó đến nay đã 15 năm trôi qua. Tôi đã làm giảng viên, làm người tư vấn chiến lược phát triển năng lực cho các tổ chức, tham gia xây dựng chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố, cố vấn phát triển năng lực cho lãnh đạo kinh doanh của nhiều tập đoàn, làm Host cho một chương trình tuyển dụng thực tế trên truyền hình, viết sách về quản lý, lãnh đạo và phát triển bản thân, xây dựng chương trình đào tạo sinh viên cho nhiều trường đại học.
Tôi đã làm rất nhiều việc nhưng bất kể một việc nào tôi làm, cũng đều gặp nhau ở 5 câu hỏi trên mà tôi đã trả lời cho mình từ khi khởi sự
Ý nghĩa đó giúp tôi không nề hà việc thức trắng nhiều đêm để đọc thêm kiến thức cho kịp một buổi giảng, học rất nhanh về một nghề mới khi tiếp cận khách hàng trong nghề đó bằng cách nói chuyện với cả chục người trong một nghề để hình dung sống động nhất về nghề của họ, không ngại nhờ vả kết nối, không ngại đặt những câu hỏi nghe có vẻ ngốc nghếch và ngay cả việc từ chối những công việc với danh vọng lớn, tầm ảnh hưởng rộng, thu nhập cao để gắn bó với những giá trị mà mình tin tưởng.
Đâu là những sai lầm khi tìm kiếm ý nghĩa công việc
Victor Frankl người thiết lập trường phái tâm lý “sống đời ý nghĩ” tác giả của cuốn sách “The man search for the meaning” nổi tiếng ngang với Kinh Thánh ở Israel đã khẳng định có hai yếu tố khiến bạn biết mình đã tìm được ý nghĩa
- Ý nghĩa đó lớn hơn chính bản thân bạn (nghĩa là một công việc có ý nghĩa thường tạo ra giá trị cho một cộng đồng chứ không giới hạn ở niềm vui thích hoặc lợi ích cho một cá nhân)
- Phát khởi từ tình yêu dành cho ai đó (hoa trái của tình yêu luôn tuyệt vời như chính tình yêu vậy). Khi viết điều này, tôi nghĩ đến những người mà toàn bộ ý nghĩa đời sống của họ là trả thù một ai đó,những người nhẫn nại cả đời để làm “quân tử trả thù 10 năm không muộn” đời sống đó, thành tựu đó, dẫu kết quả có thế nào thì cũng không đáng để ta phải trả giá bằng 10 năm sống trong thù hận dù nó có thể là động lực khiến bạn đạt được những thành tựu lớn lao). Vậy hãy tự vấn mình bằng câu hỏi “vi ai” mà ta phát khởi tình yêu này. Thay vì “vì cái gì”. Vì ai không chỉ giúp bạn tìm được ý nghĩa của đời sống mà còn là động lực khiến bạn trở nên xuất sắc vượt trội.
Nếu nhóm sai lầm thứ nhất là không tìm ý nghĩa công việc trong những động cơ tiêu cực (thù hận) hay theo đuổi ý nghĩa công việc vì những bù đắp vật chất (tiền bạc) hoặc ảo tưởng mong manh (danh vọng) thì sai lầm thứ hai của việc tìm kiếm ý nghĩa công việc là
- Không làm gì cả cho đến khi tìm được một công việc có ý nghĩa hoàn hảo.Ngồi chờ đợi một công việc hoàn hảo có ý nghĩa, mang lại đam mê, thu nhập tốt, đồng nghiệp đáng yêu vân vân đều là những nhu cầu chính đáng nhưng bạn sẽ không bao giờ tìm được một công việc như vậy chỉ bằng chờ đợi
- Dù suy nghĩ của bạn có tốt đẹp thế nào và tài năng của bạn ra sao thì cuộc sống chỉ được thay đổi khi bạn hành động vì vậy hãy hành động cho thế giới này tốt đẹp lên trong khi chờ ý nghĩa cuộc đời biểu hiện và biết đâu, việc làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, tự nó đã là một công việc ý nghĩa dù bạn đang làm việc gì
Kết luận: Chỉ 5 câu hỏi cơ bản mình muốn là ai, mình tin vào điều gì, mình coi trọng điều gì, cộng đồng của mình là ai, mình có thể làm gì để đóng góp cho cộng đồng đó tốt đẹp hơn bạn sẽ tìm ra ý nghĩa cho công việc mà mình đang làm hoặc tìm được một công việc có ý nghĩa cho cộng đồng mà bạn đang sống cũng là nguồn động lực tự thân bền bỉ khiến bạn không bỏ cuộc khi gặp khó khăn và luôn được động viên khi vấp ngã với những thành quả cụ thể là món quà hướng tới người bạn yêu thương.